Thứ hai, 12 Tháng 9 2016 07:30
Chuyên đề 7:
KINH NGHIỆM
“Chính sách thì đúng, cách làm thì sai”
Chúng ta thường kêu gọi làm làng kiểu mẫu, trại kiểu mẫu, bộ đội kiểu mẫu, nhà máy kiểu mẫu, v..v…., khẩu hiệu đó rất đúng. Nhưng đến nay, hoặc chưa làm được, hoặc làm được nửa chừng rồi lại nguội. Vì lẽ gì?
- Vì chúng ta quên một lẽ rất giản đơn dễ hiểu: Tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả.
- Muốn lập làng kiểu mẫu, đội kiểu mẫu, v.v…, thì trước phải đào tạo ra người kiểu mẫu, để làm cán bộ cho làng đó, đội đó. Làm được một làng, một đội rồi lấy đó làm kiểu mẫu, để khuyến khích và cổ động nơi khác.
- Từ trước đến nay, chúng ta làm trái ngược lại. Chúng ta nghĩ ra một làng, một đội kiểu mẫu trong tư tưởng, mà không bắt đầu từ một làng, một đội sẵn có, cho nên kế hoạch không ăn khớp với những hoàn cảnh thiết thực (khách quan).
Đó cũng là vì bệnh chủ quan của chúng ta. Cho nên khẩu hiệu tuy đúng, nhưng thực hành không có kết quả mỹ mãn.
- Một lẽ nữa, cũng vì cách lãnh đạo và cách làm không đúng. Khi chúng ta muốn lập một làng hoặc một đội kiểu mẫu, chúng ta đem cán bộ ngoài đến, để xung phong, mà không đào tạo cán bộ ngay ở đó. Khi cán bộ xung phong phải điều đi nơi khác, thì làng kia hoặc đội kia lại như cái bong bóng, thổi hơi vào, thì phùng lên, hơi ra hết, thì xẹp xuống.
- Vả lại, chúng ta tham lam làm nhiều trong một lúc. Thí dụ: Muốn lập một tỉnh kiểu mẫu thì thường hay dàn lực lượng ra làm cả tỉnh, không biết định cho mỗi huyện chọn một tổng làm kiểu mẫu, mỗi tổng chọn một làng làm kiểu mẫu. Thành thử, “ăn nhiều, nuốt không xuống”, Chúng ta không biết tập trung lực lượng, làm xong một nơi, lấy đủ kinh nghiệm, rồi làm nơi khác.
Vì vậy, từ nay bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, đần dần đến ngọn, từ it đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc.
(Tư cách người cách mạng – NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2012, tr.24-26)
Mọi thông tin bản quyền được bảo hộ bởi: ttyttrangbom.gov.vn Thiết kế: Việt Quảng Cáo